Tháng 3 lên Sơn La, du khách sẽ được chìm đắm vào khung cảnh của những cánh rừng hoa ban đang đua nở.
Cung đường 100km ngắm hoa ban rực rỡ miền Tây Bắc
Khung cảnh bao la, hùng vĩ của núi rừng, suối thác. Tây Bắc còn cuốn hút mỗi du khách bởi những loài hoa suốt bốn mùa.
Hoa ban hay còn có tên gọi ban Tây Bắc, ban trắng, có 5 cánh, được phối giữa màu trắng với sọc màu hồng phớt pha tím.
Nói đến loài hoa này, chúng ta thường nghĩ ngay đến tỉnh Điện Biên, nơi được xem là thủ phủ của loài ban. Nhưng mới đây, tình cờ trong chuyến lên vùng đất Sơn La, chúng tôi đã được mãn nhãn bởi cung đường hoa ban đẹp kỳ diệu, nguyên sự hoang sơ của núi rừng.
Để đi cung đường hoa ban ở Sơn La, xuất phát từ Hà Nội, chúng tôi đi theo cung đường 32, qua Sơn Tây và đến xã Mường Cơi (Phù Yên, Sơn La) thì rẽ về quốc lộ 37. Đi tiếp thêm khoảng hơn 10km nữa, chúng tôi đến đèo Ban (nằm giáp ranh giữa hai xã Huy Thượng và Mường Thải – Phù Yên).
Đèo Ban mùa này mang khung cảnh bình yên với những cành hoa ban rung rinh theo gió ven đường và bên bìa rừng.
Ngay từ đầu tháng 3, những cây hoa ban đã bắt đầu nở hoa, điểm xuyết vào núi rừng xanh thẳm gam màu trăng trắng, tim tím và hồng phai đầy quyến rũ. Du khách có thể nhìn thấy cả ban tím và ban trắng.
Ngay dưới chân đèo Ban có bản Ban 1 và Ban 2, và suối Ban thuộc xã Huy Thượng. Theo những người Mường bản địa, cây hoa ban đã mọc ở đây từ rất lâu rồi. Có lẽ vì thế mà ngày xưa những người đi mở đất, lập bản ở đây đã đặt tên con đèo và bản làng, sông suối theo tên loài hoa này.
Đi trên đường đèo uốn lượn với độ dốc thoai thoải, thỉnh thoảng chúng tôi lại bắt gặp một gốc hoa ban ngay bên đường. Hoa ban bung nở tỏa hương thơm ngào ngạt theo làn gió xuân. Nhiều người tỏ ra thích thú, dừng xe để đưa điện thoại chụp phong cảnh ban nở và núi rừng.
Từ đèo Ban, xe chúng tôi lại lăn bánh tiếp trên cung đường 37. Đây là cung đường uốn lượn quanh những sườn đồi, sườn núi thấp của huyện Phù Yên. Đến địa phận Đèo Nhọt, giáp ranh giữa xã Suối Bau và Gia Phù, huyện Phù Yên, hoa ban lại bắt đầu xuất hiện trước đôi mắt của những lữ khách.
Đèo Nhọt uốn lượn giữa cánh rừng nguyên sinh quanh năm xanh tốt. Ven bìa rừng hay bên nhà, chúng tôi bắt gặp những gốc ban cổ thụ. Nhiều cây gốc có đường kính gốc đến 30-40cm mà cả người Mường ở đây không biết chúng mọc từ bao giờ.
Mùa này hoa ban bản Nhọt, quanh khu đèo Nhọt bung nở khắp núi rừng, tạo ra khung cảnh đẹp mê hồn. Chúng tôi loanh quanh ở mấy bản nhỏ bên sườn núi, thấy hầu như gia đình nào cũng có cây hoa trước vườn hoặc sau nhà.
Qua đèo Nhọt sang huyện Bắc Yên, chúng tôi tiếp tục trên quốc lộ 37, vượt cầu Tạ Khoa bắc qua sông Đà để về phía ngã ba Cò Nòi (thuộc xã Cò Nòi, Mai Sơn, Sơn La). Cách đó khoảng 5-6km, chúng tôi bắt đầu nhìn thấy những nóc nhà sàn của người Thái trên sườn núi, bao quanh là những cánh rừng hoa ban bạt ngàn.
Nhìn từ xa, trắng xóa một góc trời, khi đến gần lại mang màu trắng tím hồng xao xuyến lòng người. Hoa ban cứ nở khắp cánh rừng này sang vạt đồi khác đến tận ngã ba Cò Nòi (nơi giao quốc lộ 6 và quốc lộ 37).
Dường như nơi đây là thủ phủ mới của hoa ban Tây Bắc. Du khách có thể tới để ngắm bức tranh phong cảnh hoa ban và núi rừng hoang sơ nếu không có điều kiện lên Điện Biên.
Cung đường hơn 100km với những điểm ngắm hoa ban tuyệt hảo cho thấy Tây Bắc đẹp nhường nào. Đây là cung đường tương đối vắng vẻ, ít xe, phong cảnh hoang sơ, thanh bình, rất thích hợp cho chuyến dã ngoại ngắm cảnh.
Dọc bên đường, du khách còn có thể ghé vào ăn vặt những món rau, bánh, hoa quả dân dã của người Mường, người Thái. Ở địa phận xã Cò Nòi, những quán bán dâu tây xuất hiện ngay bên đường mà mọi người có thể ghé vào ăn thử hoặc mua về làm quà.
Theo – ivivu.com