Thiền viện Trúc Lâm Phương Nam là một trong những điểm đến văn hoá tâm linh nổi tiếng, toạ lạc ở thành phố Cần Thơ.
Du lịch Cần Thơ
Thiền viện Trúc Lâm Phương Nam có chùa Một Cột thu nhỏ ở miền Tây
Thiền viện Trúc Lâm Phương Nam nằm ở xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền, cách trung tâm thành phố Cần Thơ khoảng 15 km. Đây là một trong những công trình Phật giáo lớn nhất ở khu vực Tây Nam Bộ. Công trình được xây dựng từ tháng 7/2013, trên diện tích khoảng 4 ha và hoàn thành sau một năm. Ảnh: Robin Westerbeeke.
Từ cổng vào thiền viện, du khách có thể thấy chùa Một Cột nằm giữa ao nước nhỏ tựa chùa Một Cột ở Hà Nội.
Công trình mô phỏng kiến trúc một cột từ đời nhà Lý. Ảnh: Robin Westerbeeke.
Chùa đặt trên một trụ bằng gỗ, phần đế bằng xi măng, cao chưa đến một mét so với mặt nước.
Chính điện (còn gọi là Đại Hùng Bửu Điện) là nơi Phật tử chiêm bái. Công trình này được dựng từ 44 cột gỗ lim cỡ vòng tay ôm của người lớn. Tất cả cột trụ đều được đặt trên đá xám vân mây, chạm trổ hình hoa sen cách điệu.
Phần chánh điện lợp ngói tám mái theo phong cách kiến trúc thời Trần, Tổ điện lợp ngói bốn mái theo phong cách thời Lý.
Chánh điện nằm giữa khuôn viên thiền viện, gồm 2 tầng 8 mái chạy dài. Tượng Phật Thích Ca Mâu Ni thờ trong chánh điện bằng đồng nặng 3,5 tấn. Bức tượng đúc Phật ngồi và tay cầm cành hoa (niêm hoa vi tiếu).
Dọc hai bên lối vào chính điện là tượng 18 vị La Hán chạm trổ công phu.
Phật tử và du khách có thể men theo lối ở bên hông chánh điện dẫn ra phía sau nhà Tổ. Dọc hai lối đi cũng là tượng của các vị La Hán kèm tranh ảnh giới thiệu các hoạt động của thiền viện.
Lầu chuông, tháp trống được mô phỏng theo tháp chuông Chùa Keo ở Thái Bình. Vật liệu chính sử dụng để dựng chánh điện, nhà thờ Tổ, lầu chuông, tháp trống là gỗ lim nhập từ Nam Phi.
Không gian Nhà Tổ như những căn nhà xưa ở Nam Bộ. Bên trong có hai bộ trường kỷ cổ.
Sau khi lễ Phật và vãn cảnh chùa, du khách có thể đi ra khuôn viên bên ngoài, nơi có khu vườn xanh mát.
Trong khuôn viên thiền viện còn có rất nhiều hạng mục khác như cầu ra Thuỷ Tạ, Quan Âm điện (ảnh), khách đường, trai đường, giảng đường, thư viện hay phòng Đông Y Nam Dược.