5 năm trước, khi đưa nhóm bạn về thăm quê, tôi không hi vọng để lại nhiều ấn tượng với các bạn vốn đến từ nhiều tỉnh thành có những cái tên “khét tiếng” như Vũng Tàu, Đà Lạt… Vậy mà chưa đầy năm, các bạn lại… đòi về!
Du lịch miền Tây
‘Cung đường bún nước lèo miền Tây’
Tôi hỏi quê tôi có gì vui, các bạn nói: “Có không khí trong lành, cuộc sống thanh bình và… nhiều món ăn vừa ngon vừa rẻ!”.
Trà Vinh quê tôi chưa hề có tên tuổi trên bản đồ du lịch Việt Nam. Nhưng mời bạn một lần ghé thăm mảnh đất hiền hòa, hiếu khách, với thành phố Trà Vinh thơ mộng ẩn mình giữa rừng cổ thụ bạt ngàn mát rượi, tạo nên một sự khác biệt là đô thị hiếm hoi đi giữa trưa mà không sợ nắng!
Bạn đừng quên đến ao Bà Om – một thắng cảnh nổi tiếng của Trà Vinh. Đây là “lá phổi xanh” mà thiên nhiên ưu ái ban tặng vùng đất quê tôi, mang đến cho người dân Trà Vinh niềm tự hào, trân quý.
Chính quyền tỉnh rất quan tâm đến môi trường, sống xanh. Gần đây, họ đã “hoán đổi” sân vận động tỉnh thành công viên trung tâm để người dân có nơi tập luyện thể dục, hoạt động văn hóa, vui chơi, giải trí… Các bạn có thấy “trong lành” chưa?
Về thanh bình, xin mượn ý một bài báo gần đây viết về tính “hiền hòa” của người Trà Vinh trong chấp hành luật lệ giao thông. Bạn khó bắt gặp cảnh vượt đèn đỏ ở quê tôi, và thấy cảnh dừng đèn đỏ “cô đơn” hoặc dưới mưa là “chuyện bình thường xứ tôi!”.
Món ăn Trà Vinh là sự cộng hưởng của 3 nền văn hóa ẩm thực Kinh – Khmer – Hoa. Quê tôi có nhiều món ngon, thậm chí nổi tiếng như bánh canh Bến Có, bánh tét Trà Cuôn… Nhưng thứ tôi muốn kể chính là món “bún nước lèo” nấu bằng mắm Bò Hốc của người dân tộc Khmer.
Khác với bún nước lèo Sóc Trăng, Bạc Liêu với đủ thứ thịt, cá, tôm…, tô bún nước lèo Trà Vinh chỉ đơn sơ với bún và rau mà lại rất thơm nồng, quyến rũ. Chưa đâu, chẳng những ngon mà còn rẻ nữa. Giá mỗi tô chỉ khoảng 10.000 đồng, thậm chí 8.000 đồng!
Và đây là trải nghiệm của tôi mang tên “cung đường nước lèo miền Tây”: từ thành phố Trà Vinh, tôi đến thị trấn Cầu Quan thuộc huyện Tiểu Cần, rồi qua phà Đại Ngãi – Cù Lao Dung, bến phà lớn cuối cùng nối liền hai bờ sông Tiền, sông Hậu ở miền Tây.
Sang phà, xuôi theo cung đường Nam Sông Hậu để tới Bạc Liêu, ta sẽ đi ngang làng cá Trần Đề, thị xã Vĩnh Châu với những cánh đồng củ hành tím mênh mông. Tại Vĩnh Châu, bạn có thể thưởng thức tô bún nước lèo đầu tiên, rồi đến tô bún nước lèo Bạc Liêu nổi tiếng trên đường Lý Tự Trọng. Xuôi theo quốc lộ 1A, bạn sẽ được ăn bún nước lèo ngay trung tâm thành phố Sóc Trăng.
Hành trình giúp tôi càng tự tin hơn về hương vị “mắm” của quê mình!
Từ khi có cầu Cổ Chiên, du lịch Trà Vinh cũng rộn ràng lên! Mấy hộ đất vườn rộng rãi quanh khu vực cầu cũng rục rịch làm homestay! Thật ra chẳng có bảng hiệu, quảng cáo gì, chỉ biết qua… rỉ tai nhau! Vài chục người đến, bắt cá lóc nướng, làm gà xé phay…, tất nhiên chủ khách cùng làm.
Thức uống cây nhà lá vườn với chủ đạo là dừa, đặc biệt có… nước mưa chứa “lu 4 vú” và nhâm nhi “ba xị đế” bằng nếp nhà kháp mà thả hồn theo dòng Cổ Chiên ngân nga mấy điệu buồn phương Nam! Mệt thì cứ ván gõ, ghế bố, võng mà ngã lưng. Cứ say giấc vì không ai kêu ai hối, “nhà” mà…
Theo – ivivu.com